Trữ lượng nguồn nước ngầm ở Việt Nam cung cấp khoảng 35-50% nhu cầu nước sinh hoạt của người dân trong đó hơn 80% lượng nước khai thác từ các vùng đồng bằng lớn trong cả nước như đồng bằng Bắc Bộ, Đông Nam Bộ,… Tuy nhiên, hiện nay nguồn nước ngầm ở các vùng này đang phải đối diện với vấn đề xâm nhập mặn, ô nhiễm vi sinh và kim loại nặng nghiêm trọng do việc hình thành và phát triển của các khu công nghiệp đồng thời là sự khai thác nước không có quy hoạch.
Tình trạng ô nhiễm nguồn nước tại đồng bằng Bắc Bộ
Việc phát triển các hoạt động công nghiệp, nông nghiệp mạnh mẽ ở các khu vực đặc thù như đồng bằng Bắc Bộ ở các tỉnh thành phố như Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương,… là một trong các nguyên nhân của sự ô nhiễm Coliform, phốt phát, asen,… ngày càng gia tăng. Theo thống kê bởi cổng thông tin điện tử của tổng cục môi trường, nước ngầm, số giếng khoan ở khu vực đồng bằng bắc bộ đã đạt hàm lượng phốt phát cao hơn mức cho phép(0.4mg/l) chiếm tới 71%, nồng độ asen trong nước ngầm cũng vượt giới hạn cho phép có nơi đạt mức 10mg/l, hàm lượng amoni lên đến 23,30mg/l (gấp 233 lần tiêu chuẩn cho phép) ở Tân Lập (Đan Phượng) vào mùa khô, còn có 17/32 mẫu có hàm lượng mangan (Mn) vượt quá hàm lượng tiêu chuẩn, 4/32 mẫu có hàm lượng asen (As) vượt tiêu chuẩn…
Ô nhiễm nước sông Tô Lịch tại Hà Nội
Bên cạnh đó, việc đánh giá nguồn nước sử dụng hiện nay còn phụ thuộc rất lớn vào nguồn nước mặt của đồng bằng sông Hồng với vị thế là vùng đất rộng lớn nằm quanh khu vực hạ lưu sông. Sự tập trung của các hệ thống sông, kênh dẫn, hồ chứa dày đặc ở khu vực đồng bằng kèm với sự phát triển không ngừng của các đô thị lớn đã gây ra hiện tượng ô nhiễm nước thải sinh hoạt và sản xuất cho môi trường nước mặt ở đây. Hàm lượng các chất hữu cơ trong nước mặt đều vượt trị số giới hạn tối đa cho phép, nhiều nơi cao hơn gấp 2-3 lần như sông Tô Lịch (Hà Nội), sông Nhuệ, sông Đáy (Hà Nam), các thành phố ven sông khác như Việt Trì, Nam Định, Hải Phòng.
Ô nhiễm nguồn nước ảnh hưởng tới nguồn nước ngầm
Sự ô nhiễm nguồn nước mặt tại đây không chỉ tác động trực tiếp tới nguồn nước sinh hoạt đến từ các nhà máy xử lý nước mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn nước ngầm ở khu vực này thông qua việc thẩm thấu các chất ô nhiễm vào trong lòng đất. Các nhà máy nước lớn khai thác nguồn nước mặt đến từ sông Hồng và kể cả các giếng khoan của người dân đều nhiễm amoni với nồng độ cao vượt giới hạn cho phép (3mg/l) từ vài chục đến vài trăm lần. Các kết quả giám sát chất lượng nước từ hơn 10 năm trở lại của Viện quy hoạch thủy lợi cho thấy hàm lượng COD (phản ánh tổng hàm lượng chất hữu cơ trong nước) dao động trong khoảng 14.2-18mg/l, hàm lượng BOD (phản ánh lượng chất hữu cơ dễ phân hủy vi sinh trong nước) dao động trong khoảng 9.5-12.5mg/l.
Ngoài ra sự tập trung của phần lớn các làng nghề ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ cũng đem lại gánh nặng cho không chỉ nguồn nước ngầm và cả nguồn nước mặt do sự xả thải của các hoạt động sản xuất: ô nhiễm chì từ làng nghề tái chế chì Đông Mai (Hưng Yên), ô nhiễm chất hữu cơ ở làng nghề thuộc da, làm miến (Hà Nội), làng nghề gỗ (Bắc Ninh),…
Ô nhiễm nguồn nước ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước mặt
Như vậy có thể thấy rằng hiện nay sự phát triển ồ ạt của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa là một trong các tác nhân gây ra ô nhiễm nguồn nước cho khu vực đồng bằng Bắc Bộ không chỉ ở nguồn nước mặt từ các sông hồ mà ngay cả nguồn nước ngầm khai thác dưới lòng đất. Việc xác định và xử lý nguồn nước ô nhiễm như thế nào đang là vấn đề cấp thiết đặt ra cho không chỉ các Bộ, ngành mà ngay chính ở người dân sử dụng nước trong cuộc sống hằng ngày.