Hãy uống nước đúng cách
Cơ thể người cần trung bình từ 1,5 – 2 lít nước một ngày đêm. Thói quen sinh hoạt, ăn uống mỗi ngày ảnh hưởng không nhỏ tới việc bổ sung lượng nước cho cơ thể. Hãy làm theo các lời khuyên sau để giúp cơ thể bạn luôn luôn đủ nước
Uống nước ngay sau khi thức dậy
Việc đầu tiên khi thức dậy là hãy uống ngay 1 ly nước rồi sau đó mới đánh răng, rửa mặt… Và bạn đừng sợ uống nước bọt “dơ bẩn” vào, thật ra nước bọt của bạn rất sạch và giúp bao tử tiêu hóa bữa ăn sáng dễ dàng hơn.
Bệnh Alzheimer (AD) có liên quan đến tình trạng mất nước mạn tính, một trong những thay đổi quan trọng dẫn đến rối loạn chuyển hóa là sự gia tăng nồng độ formaldehyt nội sinh (FA). Hơn nữa, nồng độ formaldehyt cao nhất được xác định vào buổi sáng. Việc uống nước thường xuyên có lợi cho việc loại bỏ formaldehyde nội sinh ra khỏi cơ thể người, đặc biệt khi uống nước vào buổi sáng [2].
Hãy uống nước trước bữa ăn
Uống nước trước bữa ăn sẽ làm sạch và trơn hệ tiêu hóa, giảm cảm giác đói và ăn ngon miệng hơn trong bữa ăn. Cung cấp một lượng nước vừa phải trước bữa ăn có thể “đánh thức” cơ quan tiêu hoá trong cơ thể, nhất là với những người mắc bệnh viêm dạ dày, đau rát thực quản hay các chứng bệnh về đường tiêu hoá. Thời gian uống nước tốt nhất là 30 phút trước bữa ăn.
Uống đủ nước và đừng để lúc khát nước mới uống
Khi bạn khát nước, lúc đó cơ thể bạn đã thiếu nước trầm trọng rồi. Hãy uống nước thường xuyên để không khát nước. Trung bình cứ nặng 10kg cần tối thiểu 0.4 lít nước. VD bạn nặng 60kg thì bạn cần uống 2.4 lít nước mỗi ngày.
Kết quả nghiên cứu trên 74.589 thanh thiếu niên tại Brazil cho thấy, 55,2 % là nữ có độ tuổi trung bình 14,6 ± 1,6 tuổi. Khoảng 1/2 trong số họ có thói quen ăn uống lành mạnh đó là: có ăn sáng, mỗi ngày uống từ 5 ly nước trở lên và ăn bữa phụ với cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp. Tất cả các thói quen ăn uống lành mạnh có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê theo giới tính, độ tuổi, loại trường học, thời gian học tập hoặc khu vực địa lý [3].
Uống nước sau bữa ăn khoảng 2,5h
Lúc này nước rất có ích cho hệ tiêu hoá, giúp đẩy nhanh quá trình tiêu hoá thức ăn trong cơ thể. Bạn cần uống nước trước khi vận động hay khi tập thể dục. Trong quá trình tập, cơ thể sẽ mất một lượng nước khá lớn qua đường mồ hôi. Vì vậy, việc uống nước trước đó sẽ giúp cơ thể có được một lượng nước dự trữ, tránh tình trạng mệt mỏi, thiếu nước trong khi vận động.
Với thời tiết nắng nóng, bạn nên tập cho mình thói quen uống nước đúng cách trong mùa nóng.
Uống nước ấm
Một số người thích uống nước đá mặc dù uống quá nhiều nước lạnh có thể gây khó chịu đường tiêu hóa hay bị chuột rút hoặc thậm chí tiêu chảy. Ngược lại, có một số người thích uống nước nóng. Uống nước quá nóng có thể gây tổn thương niêm mạc thực quản và kích thích sự tăng sinh niêm mạc, có thể dẫn đến ung thư thực quản. Do đó, khi uống nước nhiệt độ nước không nên quá nóng cũng không quá lạnh. Nhiệt độ thích hợp nhất là 10 đến 30 độ C.
Uống nước càng chậm càng tốt
Khi cảm thấy khát nước, nhiều người luôn một cốc đầy. Tuy nhiên, họ đã không biết rằng, cách uống này không tốt cho sức khỏe của họ và có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho cơ thể.
Thứ nhất, uống nước nhiều trong một thời gian ngắn nó sẽ nhanh chóng làm máu loãng ra và làm tăng gánh nặng cho tim. Điều này sẽ rất nguy hiểm nếu bạn vừa tập thể dục, chạy, làm việc nặng….
Thứ hai, trong những ngày nắng nóng, bạn đổ mồ hôi rất nhiều, uống quá nhiều nước trong một thời gian ngắn sẽ làm tăng tiết mồ hôi và tăng thêm sự mất mát của các chất điện giải như natri, kali. Do vậy, bạn càng có cảm giác khát nhiều hơn.
Thứ ba, uống quá vội vàng có thể gây ra nấc cụt hoặc chướng bụng. Cách tốt nhất là hãy uống từ từ và chia nhỏ lượng nước uống, nó có hiệu quả giảm bớt cơn khát.
Uống nước đúng cách với các loại nước uống lành mạnh
Để phòng tránh các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa như tiêu chảy, kiết lị, đau bụng, bạn nên uống nước đun sôi để nguội hoặc các loại nước đã qua tiệt trùng. Bổ sung nước vào cơ thể bằng các loại trà thanh nhiệt giải độc hoặc các loại thức uống cung cấp nhiều vitamin. Đồng thời nên hạn chế một số loại thức uống không tốt cho sức khỏe như: nước có cồn, nước có gas hay các loại nước chứa chất kích thích.
Mỗi người cần một lượng nước không giống nhau
Hầu hết mọi người đều biết nên uống khoảng 8 cốc nước (tương đương 2lít) mỗi ngày, lượng nước cung cấp cho cơ thể đủ độ ẩm, làm sạch ruột và dạ dày cũng như giúp thúc đẩy quá trình lưu thông máu. Tuy nhiên, đó chỉ là khuyến nghị chung, còn lượng nước thực tế một người cần uống phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố như cân nặng, cường độ vận động, môi trường làm việc, và chắc chắn khí hậu cũng ảnh hưởng không nhỏ đến nhu cầu nước của cơ thể.
Đối với một người bình thường và khỏe mạnh, lượng nước nên uống có thể được xác định bởi màu nước tiểu. Màu sắc nước tiểu bình thường có màu vàng. Màu nước tiểu tương đối tối có nghĩa là cần được bổ sung nhiều nước hơn, và nước tiểu trong có nghĩa là bạn uống quá nhiều.
Đối với các bệnh nhân, họ nên chú trọng uống nước nhiều hơn. Ví dụ, đối với một người bị sốt, cơ thể bị mất nước nhiều so với bình thường. Khi bị sốt, nhiệt độ cơ thể cao hơn và sự bay hơi từ da cũng sẽ được tăng lên. Do đó, đối với những người này, họ cần phải uống nhiều nước hơn một cách thích hợp.
Vào những ngày nóng mà bạn phải ra ngoài, thì bạn nên uống nhiều nước hơn để bù cho lượng nước mất do mồ hôi toát ra. Việc này không chỉ giúp bạn đỡ mất nước mà còn phòng tránh các bệnh do nắng nóng gây ra. Nếu bạn ngồi trong phòng điều hòa cả ngày, cả cơ thể bạn và da bạn đều bị tác động của sự mất nước, bạn cần uống nhiều hơn.
Theo quan điểm của Avicenna thì nhu cầu uống nước hàng ngày ở các cá nhân khác nhau là không giống nhau. Tính cách, tình trạng sức khỏe, tuổi tác, giới tính, thời tiết, nơi ở, thói quen và nghề nghiệp là các yếu tố quyết định nhu cầu uống nước hàng ngày ở mỗi người [1].
Uống nước là phương pháp thải độc cơ thể tự nhiên và hiệu quả nhất. Quy tắc uống 8 cốc nước mỗi ngày cho sức khỏe tốt rất phổ biến nhưng không phải hiệu quả với mọi đối tượng. Nước giúp nuôi dưỡng các tế bào bằng cách cung cấp, vận chuyển chất dinh dưỡng cần cho các tế bào ; Góp phần chuyển hóa và tham gia vào quá trình trao đổi chất bằng cách hòa tan các chất; Giúp cân bằng nhiệt độ cơ thể bằng cách thiết lập quá trình đào thải tuyến mồ hôi… Cơ thể chúng ta chiếm 70% trọng lượng là nước. Hãy uống nước đúng cách để giúp cơ thể bạn hoạt động hiệu quả và khỏe mạnh hơn.
[1]. Nimrouzi M1, Daneshfard B2, Tafazoli V3(2016) “Avicenna’s View on Optimal Daily Water Intake”, Iran J Med Sci. May;41(3 Suppl):S23.
[2]. Li T1, Su T2, He Y2, Lu J3, Mo W2, Wei Y4, He R5 (2016) “Brain Formaldehyde is Related to Water Intake behavior”, Aging Dis. 2016 Oct 1;7(5):561-584.
[3]. Barufaldi LA1, Abreu Gde A2, Oliveira JS3, dos Santos DF2, Fujimori E4, Vasconcelos SM5, de Vasconcelos Fde A6, Tavares BM7 (2016) “ERICA: prevalence of healthy eating habits among Brazilian adolescents”, Rev Saude Publica.